Đi Ăn Chay, Trai đàm

Ăn chay có nên giả mặn?

Vấn đề không mới nhưng gần đây lại bị hiểu sai, mình xin chia sẻ chút quan điểm nhỏ nhoi và nếu có gì chưa hoàn hảo, xin mọi người hoan hỉ đóng góp hoặc bỏ qua ?
Có những người chưa từng ăn chay trong đời hoặc rất hiếm khi ăn chay. Khi nghĩ đến chay họ luôn chỉ nghĩ đến đậu hũ, mì căn và rau luộc. Và như vậy vô tình “ăn chay” đối với họ rất nhạt nhẽo, ngán ngẩm.

  1. Sự và Lý
    Một số nhà hàng, quán ăn kích thích, tạo thêm động lực ăn chay cho nhiều người bằng cách nấu các món ăn vẫn với nguyên liệu chay nhưng đặt tên, trình bày với những hình tướng “giả mặn” như để mượn danh mà làm cho người khác hào hứng khi ăn chay, còn với người chay thuần thì chúng ta sẽ dư hiểu chúng cũng chỉ là rau luộc, mì căn, đậu hũ.
    Một số người dè bỉu rằng “đã chay sao còn giả mặn”, nhưng đây chỉ đúng ở Sự mà chưa hiểu Lý, chưa nhìn nhận tất cả các mặt, các ý nghĩa sâu sắc hơn như khuyến khích người khác ăn chay, giúp người khác tập dần mở lòng từ bi.
    Muốn đến đích xa phải có những bước đầu tiên. Muốn đạt thành tựu bao giờ cũng có những sự tập luyện ban đầu. Qua một thời gian, khi đã vững vàng và tinh tấn rồi thì lúc đó tự tâm, tự tánh ta sẽ hiểu ở tâm ta khởi gì, nghĩ ra sao, lúc đó “giả mặn” có còn cần thiết nữa không, lúc đó hình tướng có còn cần thiết nữa hay không.
  2. Ngộ biến tùng quyền
    Trong nhà Phật có một thuyết gọi là “Ngộ biến tùng quyền” nói về ý nghĩa tùy theo hoàn cảnh mà nương theo, cư xử cho phù hợp, đừng câu nệ và chấp vào phép tắc một cách cứng nhắc.
    Ví như khi đi máy bay, tàu xe hay những nơi sinh hoạt tập thể, việc ăn chay sẽ có đôi khi bất tiện. Ta có thể chọn một món rồi lược bỏ những thành phần mặn, nếu như cố chấp, nghĩ rằng món ăn đó đã “dính” thịt nhất quyết không dùng đến ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng công việc chung hoặc làm khó mọi người xung quanh.
    Bước vào nhà hàng mặn, ta nhất quyết đòi ăn món chay được xào bằng chảo mới, nồi mới, chai dầu mới, cái thìa mới, người đầu bếp cũng phải rửa tay thật sạch, không được dùng miệng nêm nếm v.v… Nếu không đúng, ta mắng chửi, trách móc hay bỏ luôn món ăn đó rồi sau gieo vào lòng người khác sự phiền não, gieo vào lòng mình sự nghi ngờ món ăn đó có “chay” 100% hay không. Vậy là ta đang “tu” chăng?
    Vì sao kiến trúc ở những ngôi chùa bao giờ cũng có mái cong, đó tượng trưng cho sự uyển chuyển của Đạo Phật, cho “Ngộ biến tùng quyền”.
  3. Kết
    Vạn sự trên đời do tâm khởi, tâm hành, tâm quyết định. Các sự vật, sự việc xảy đến, diễn ra, ta nên dùng con mắt của Trí Tuệ để nhìn nhận thay vì chỉ dùng Trí Thức vì Trí Tuệ cao hơn Trí Thức ở chỗ Trí Tuệ là biểu tượng của cái nhìn sâu sắc, đầy đủ và minh triết.