Hội chứng tâm lý, Thiên Bình

Bipolar disorders: Rối loạn lưỡng cực là gì?

Một hội chứng mà đến tháng 02/2020 Thế mới biết là mình mắc phải (tuy cũng chỉ ở giai đoạn nhẹ) nhưng cũng khá là ảnh hưởng đến cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh đó.

Bài viết này vừa góp nhặt kiến thức, vừa tập hợp thông tin và vừa chia sẻ về thực tế của bản thân Thế nhé.

Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorders – RLLC), hay còn gọi là rối loạn hưng – trầm cảm, là tình trạng tâm thần thay đổi bất thường. Tâm trạng của người bệnh có thể đột ngột hưng cảm (tăng động, kích động) hoặc trầm cảm một cách không kiểm soát. Rối loạn lưỡng cực là bệnh tâm lý thường gặp trong xã hội hiện đại với biểu hiện dễ dàng thay đổi tâm trạng rõ rệt.

Khi người bệnh chán nản, họ có thể cảm thấy tuyệt vọng, trầm uất, chán nản và mất hứng thú trong các hoạt động thường ngày. Khi tâm trạng người bệnh ở trạng thái hưng cảm, họ sẽ cảm thấy đầy hưng phấn và tràn đầy năng lượng. Trạng thái thay đổi tâm lý đột ngột này thường xuất hiện vài lần trong năm hoặc thậm chí nếu nặng hơn là vài lần trong tuần, ảnh hưởng đến giấc ngủ, hành vi, khả năng tập trung của người bệnh.

Triệu chứng cảm xúc thường gặp

Trong rối loạn lưỡng cực, các giai đoạn trạng thái tâm trạng không theo một khuôn mẫu nhất định. Mức độ nghiêm trọng của nó khác nhau từ người này sang người khác và cũng có thể thay đổi theo thời gian mà trở nên nghiêm trọng hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn.

Kay Jamison, giáo sư môn tâm thần học ở trường y học John Hopkins đã diễn tả lại sự chuyển đổi thầm lặng này trong căn bệnh lưỡng cực mà cô mắc phải:


“Có một nỗi đau rất đặc biệt, phấn chấn, cô độc và khiếp sợ trong cơn điên rồ này. Khi bạn phấn chấn vui vẻ, những cảm xúc đó rất to lớn, dữ dội. Suy nghĩ và cảm xúc lướt qua bạn nhanh và thường xuyên như sao băng, và bạn cứ đi theo nó cho đến khi bạn tìm được cái tốt hơn và sáng hơn. Xấu hổ không còn, năng lực quyến rũ người khác như điều hiển nhiên. Bạn trở nên nhạy cảm hơn, muốn quyến rũ người khác và được người khác quyến rũ. Tất cả những vấn đề khó khăn dường chưa tồn tại. Bỗng nhiên, mọi thứ từ từ thay đổi. Những suy nghĩ, ý tưởng đó trở nên quá nhanh, nhanh đến mức bạn không kịp nắm bắt nó. Sự rối loạn thay thế sự rõ ràng. Mọi thứ lúc trước đang đi đúng hướng dường như bây giờ chống đối lại bạn. Bạn cảm thấy khó chịu, giận dữ, sợ hãi, không kiềm chế được bản thân và bạn giống như bị nhốt trong cái hang động đen tối nhất của tâm trí.”

Triệu chứng nhận thức

Các bệnh nhân bệnh Lưỡng cực thường nói rằng suy nghĩ của họ đột nhiên nhanh hẳn đi. Ý tưởng suy nghĩ lướt qua đầu họ trước khi họ kịp suy nghĩ. Bệnh nhân còn thường dễ bị phân tâm, phản ứng trước những kích thích ngoài theo cách không thể lý giải nổi hoặc không mạch lạc. Sự hoang tưởng khuếch đại và tự mãn quá mức về bản thân cũng là một trong những đặc điểm của bệnh lưỡng cực.

Triệu chứng cơ thể

Người bị bệnh lưỡng cực ngủ rất ít nhưng lúc nào cũng cảm thấy trần trề năng lượng và phấn khích tột đỉnh. Tuy nhiên việc không đảm bảo giấc ngủ khiến cho khả năng tư duy và cảm xúc của họ bị ảnh hưởng. Đó cũng có thể là lý do sau một thời gian cảm thấy phấn khích và tích cực thì cảm xúc người bệnh chuyển sang khó chịu, giận dữ và nóng nảy.

Nguyên nhân

Nói về nguyên nhân thì nhiều và hàn lâm lắm, nhưng có 2 nguyên nhân chính là gen di truyền (nhà Thế không ai bị) và nguyên nhân xã hội (áp lực cuộc sống, các mối quan hệ, sự không được sẻ chia v.v…)

Điều trị

Hiện tại, phương pháp chủ yếu của Thế áp dụng chính là luyện tập thể thao để giải phóng bớt năng lược thừa (tâm lý lẫn sinh lý), bên cạnh đó là quan sát sự tiến bộ của mình mỗi ngày bằng cách góp nhặt những điều tiến bộ chút xíu, chút xíu, tự động viên mình và cởi mở lòng mình ra trò chuyện hơn thay vì ngại giao tiếp như trước giờ (đọc thêm bài Hội chứng Hướng Ngoại Cô Độc để hiểu vì sao người tăng động như Thế lại ngại giao tiếp).

Bên cạnh nữa đó là Thiền, ngồi định tâm và luôn tránh xa tiêu cực, nghĩ đến những việc tích cực.

Đó, trên đây là các thông tin về Hội chứng rối loạn lưỡng cực mà Thế đang gặp phải từ trước giờ 🙂