Yes-No Question luôn đưa câu chuyện vào ngõ cụt
Em có thể giúp gì cho anh chị không ạ? Anh chị có rảnh không ạ? Em xin phép anh chị ít phút để trao đổi về sản phẩm bên em. Anh chị có cần em gửi báo giá cho anh chị không ạ? Anh chị có cần thêm thời gian để suy nghĩ không ạ? Khi nào anh chị có quyết định thì cứ gọi cho em nhé.
Trên đây là những dạng câu hỏi YES-NO Question luôn đưa việc giao tiếp, tư vấn khách hàng đi vào ngõ cụt.
Ngày trước, khi còn làm Saigon Ùm-một F&B Social Community lớn vào thời điểm 2018, mình thường xuyên đi sharing kiến thức cho các brand SME, đặc biệt là merchant F&B, mình hay nói vui “hãy cố gắng bán cho khách hàng con tôm ngay cả khi nhà hàng mình không có tôm, đừng đưa chuyện tình giữa khách hàng và cửa hàng bị ngăn cản, đừng để khách hàng bỏ qua sơn hào hải vị khác bạn đang có chỉ vì hôm nay bạn không có tôm”
Hãy đưa cho khách hàng lựa chọn có sẵn (em đang có những sản phẩm này, abc xyz), đừng bắt họ ra quyết định chỉ với YES hay NO, nhất là khi thời gian được nói chuyện với họ chỉ vài phút, vài giây. Càng không nên đưa những câu lấp lửng và deadline vô cực kiểu “khi nào anh chị có nhu cầu anh chị gọi em nhé hoặc anh chị có nhu cầu để em tư vấn nhé”.
Trên hết, trước khi gặp gỡ hoặc tư vấn khách hàng hãy dành thời gian đầu tư vào việc tìm hiểu chân dung khách hàng đó, họ là ai, đang ở phân khúc nào, họ cần gì, đến đâu và làm gì để có thể gặp họ ở điểm chạm hơn là những cuộc gọi, những đoạn đối thoại vô hồn và đi vào ngõ cụt với kiểu YES-NO Question.
Mình có ấn tượng rất đặc biệt với những anh chị em đồng nghiệp làm Relationship Manager khi còn làm ngân hàng UOB, trước khi gọi một khách hàng nào đó, họ scanning rất kỹ về khách hàng trong vài ba ngày mới đến bước nhấc điện thoại lên alo.
Với mình, câu hỏi YES-NO có giá trị nhất chỉ với trường hợp cô bán bánh mì hỏi “đồ chua ớt đầy đủ hen con?” mà thôi.